Thứ Hai, 12 tháng 5, 2014

CHÚNG TA LÀ LỮ KHÁCH, KHÔNG PHẢI MA CÀ BÔNG



“Hai ông thuật lại những gì xảy ra dọc đường
và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh” (Lc 24,35)

Trong Thánh lễ tại giáo xứ Ba Lan Stanislaw ở Rôma, Đức Thánh Cha nói: 

Một tuần sau lễ tôn phong Hiển Thánh cho Đức Gioan XXIII và Đức Gioan Phaolô II, chúng ta tụ tập nhau trong nhà thờ này của tín hữu Ba Lan ở Roma, để tạ ơn Chúa về ơn của vị thánh Giám mục Roma, người con của Quốc gia anh chị em. Trong nhà thờ này, Người đã tới hơn 80 lần. Người đã luôn đến đây trong các thời điểm khác nhau của cuộc đời người và cuộc sống của dân nước Ba Lan. Trong những lúc buồn sầu và suy yếu, khi mọi sự xem ra đã mất, Người đã không mất đi niềm hy vọng, bởi vì Đức tin và niềm Hy vọng của Người được gắn chặt nơi Thiên Chúa (x. 1 Pr 1,21). Và như thế, Người đã là đá tảng cho cộng đoàn này, là nơi người cầu nguyện, lắng nghe Lời Chúa, chuẩn bị và ban các bí tích, tiếp đón những người cần sự giúp đỡ, ca hát, mừng lễ; và từ đây, Người khởi hành hướng về các vùng ngoại ô Roma...

Anh chị em là thành phần của một dân tộc đã bị thử thách rất nhiều trong lịch sử. Dân tộc Ba Lan biết rõ rằng để bước vào trong vinh quang cần phải đi qua cuộc khổ nạn và thập giá (x. Lc 24,26). Như là người con xứng đáng của quê hương, Thánh Gioan Phaolô II đã đi theo con đường đó. Người đã đi theo một cách gương mẫu bằng cách nhận từ Thiên Chúa sự lột bỏ hoàn toàn.

Áp dụng vào bài Phúc Âm, Đức Thánh Cha nói: Chúng ta là khách lữ hành chứ không phải ma cà bông. Hai môn đệ trên đường về làng Emmaus đã lang thang, nhưng khi trở lại Giêrusalem làm chứng nhân của niềm hy vọng là Chúa Kitô. Cả chúng ta cũng có thể trở thành các “khách đi đường đã sống lại”, nếu chúng ta để cho Lời Chúa sưởi ấm con tim, và Thánh Thể Người mở đôi mắt chúng ta cho Đức tin, và dưỡng nuôi chúng ta bằng niềm hy vọng và tình bác ái. Cả chúng ta cũng có thể đồng hành với các anh chị em buồn sầu và tuyệt vọng, và sưởi ấm con tim họ với Tin Mừng, và bẻ bánh tình huynh đệ với họ.

Lạy Chúa, xin mở mắt tâm hồn chúng con để cuộc đời chúng con sẽ là những “lữ khách đi đường đã sống lại”, mau chỗi dậy, nhanh chân đi loan báo Tin Vui Phục Sinh của Chúa cho muôn dân bằng đời sống yêu mến Lời Chúa và Thánh Thể Chúa. Amen


NGÀY THẾ GIỚI ƠN GỌI



“Các con hãy đi khắp thế gian,
rao giảng Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo”
(Mc 16,15)
Các giám mục của Brazil - quốc gia đông người Công giáo nhất trên hành tinh - đang họp để thảo luận về tình trạng thiếu hụt linh mục ngày càng trầm trọng tại quốc gia này.
Tại Brazil, chỉ có 21.000 linh mục để coi sóc cho 165 triệu người Công giáo. Trong khi đó, ở Mỹ có đến 40.000 linh mục coi sóc cho 69 triệu người Công giáo.
Đức Giám mục Elias Manning đã nghỉ hưu của giáo phận Valençam Brazil cho biết: “Nhiều người trong cộng đồng của chúng tôi ở Brazil không thể có Thánh lễ hằng ngày, thậm chí hằng tuần hoặc hằng tháng”.
Ngài nói với Đài phát thanh Vatican rằng: “Số lượng linh mục không đủ để chăm sóc tất cả các cộng đồng của chúng tôi, vì vậy ở Brazil này, giáo dân phải đảm trách nhiều thừa tác vụ liên quan đến bí tích Thánh Thể, bí tích Rửa Tội, và chúng tôi cũng có cả những anh chị em giáo dân được phép Chứng hôn. Chúng tôi đã nhận được sự cho phép của Rôma để có những giáo dân đủ điều kiện cho một số thừa tác vụ bình thường vẫn do các linh mục đảm trách”.
Lạy Chúa, lúa chín đầy đồng mà thiếu thợ gặt, xin Chúa ban xuống cho chúng con nhiều thợ gặt lành nghề trong cánh đồng truyền giáo, những người thợ siêng năng cần mẫn, nhiệt thành mở mang Nước Chúa. Amen.

CÁC GIÁM MỤC KENYA NGỠ NGÀNG




“Bởi thế, người đàn ông sẽ lìa bỏ cha mẹ mình để khắng khít với vợ,
và cả hai chỉ còn là một xác thể” (St 2,24).

Đau buồn và ngỡ ngàng là phản ứng của các Giám mục Kenya hôm 29 tháng Tư sau khi Tổng thống Uhuru Kenyatta ký luật hợp thức hóa chế độ đa thê.
Trước những vận động ráo riết cho luật này, các Giám mục Kenya đã phản ứng quyết liệt nhưng các ngài không thể ngờ là Tổng thống Uhuru Kenyatta, một tín hữu Công giáo thực hành đạo, tuần nào cũng có mặt tại nhà thờ St. Austin, đã thông qua dễ dàng luật này.

Chế độ đa thê "từ lâu đã là một thực tế văn hóa" trong các quốc gia Đông Phi, đặc biệt trong những nước người Hồi giáo chiếm đa số. Nhưng Kenya là một trường hợp khác. Trong tổng số 45 triệu dân có tới 82.5% dân số là tín hữu Kitô (45% Tin Lành, Công giáo 27%). Người Hồi giáo chỉ chiếm 10%.
Luật mới cho phép một người đàn ông có quyền kết hôn với một số không giới hạn phụ nữ mà không cần sự đồng ý của người vợ thứ nhất.
Điều oái oăm theo CNN là các nhóm nữ quyền tại nước này đã lên tiếng ca ngợi luật mới!
Chế độ đa thê được hợp pháp hóa ở hơn 40 quốc gia, hầu hết là các quốc gia Hồi giáo.
Lạy Chúa, định chế hôn nhân gia đình đang bị băng hoại trong thời đại hôm nay, xin Chúa thương cứu lấy các gia đình chúng con, xin đừng để cho lệnh truyền của Chúa đi vào quên lãng, nhưng xin cho chúng con biết quý trọng luật Chúa: đơn hôn và vĩnh hôn, để chúng con được tràn đầy hạnh phúc khi vâng nghe lời Chúa. Amen.

PHÉP LẠ CỦA ĐỨC GIOAN PHAOLÔ II



“Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc,
người đau ốm mới cần”
(Mt 9,12)
THIÊN PHÚC
Trong nước mắt, cô Floribeth Mora Diaz tuyên bố rằng Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã cứu cô khỏi chứng phình động mạch não không thể cử động được cách đây ba năm.
Chính Cô Mora đã có mặt tại buổi lễ lịch sử vào Chúa nhật 27.4.2014, tại quảng trường Thánh Phêrô khi Đức Thánh Cha Phanxicô phong thánh cho hai vị Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và Gioan XXIII, vị giáo hoàng người Ý được biết với danh hiệu “Giáo Hoàng Gioan tốt lành.”
Người mẹ Costa Rica của bốn đứa trẻ bị vây quanh bởi giới truyền thông trên thế giới đã giải thích làm thế nào việc phục hồi không thể giải thích được của cô là một phép lạ do Đức Giáo Hoàng nổi tiếng người Ba Lan vừa được tuyên thánh. Hai phép lạ được cho là do lời cầu bầu của Đức Gioan Phaolô với Thiên Chúa, mở đường cho án phong thánh của Ngài.
Trong năm 2011, cô Mora đã bị chứng đau đầu liên tục và các bác sĩ cho biết giờ chết của cô chỉ được đếm bằng ngày. Họ nói chứng phình động mạch của cô nằm trong khu vực “khó xử” và lựa chọn duy nhất của cô là điều trị ở Mêxicô hoặc Cuba, nhưng gia đình không đủ khả năng chi phí.
“Các bác sĩ nói với tôi rằng không còn cách nào khác để tiếp tục điều trị vì họ đã làm tất cả mọi thứ và không thể làm gì hơn được nữa,” cô Mora nói trong một cuộc họp báo kín.” Họ nói rằng tôi chỉ sống được một tháng và không còn hy vọng gì nữa.”
Nằm liệt giường, cô cầm tạp chí có ảnh bìa của Đức Giáo Hoàng người Ba Lan tại nhà ở Tres Rios de Cartago, cách thủ đô San Jose 12 dặm. Edwin, chồng cô, thúc giục cô cầu nguyện.
“Mối quan tâm lớn nhất của tôi không phải là chết nhưng là về những gì sẽ xảy ra cho các con tôi”, cô nói trong xúc động.
Lạy Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, xin cầu cùng Chúa chữa lành cho chúng con không chỉ những căn bệnh phần xác mà cả những căn bệnh tâm hồn đang làm chúng con khổ sở vì phải xa cách Chúa đời này và đời sau. Amen.