Thứ Sáu, 2 tháng 5, 2014

GIAO TIẾP VỢ CHỒNG

GIAO TIẾP VỢ CHỒNG
THIÊN PHÚC

Linh Mục Bernard Terry, nhà Luân Lý nổi tiếng người Đức, đã kể lại rằng:
Kỷ niệm đẹp nhất trong cuộc đời tôi là lần giải tội đầu tiên. Hôm đó, người đàn ông đến xưng một thứ tội dường như không có trong danh mục của bản hướng dẫn xét mình. Người đó xưng thú rằng mình đã không vâng lời vợ. Lần đầu tiên nghe thứ tội lạ lùng như thế, tôi mới hỏi hối nhân:
-      Từ trước đến nay tôi chỉ nghe nói rằng người vợ phải phục tùng chồng, sao ông lại xưng thú rằng ông đã không vâng lời vợ?
Người đàn ông giải thích:
-      Thưa cha, con có tội, là bởi vì vợ con nói có lý mà con vẫn không chấp nhận điều đó!
Nghe thế, tôi mới hỏi hối nhân:
-      Ơng có chịu nhận việc đền tội, là nói với vợ ông rằng: “Em nói thật có lý “ không?
Ơng đã đồng ý và nhận việc đền tội đó.
Nếu người bạn đời nói có lý thì mình phải nghe. Trong đời sống gia đình, lời nói chính là chất xi-măng kết dính quan hệ vợ chồng, nhưng nó cũng có thể là nguyên nhân phá hủy gia đình. Bởi lẽ, lời đã thốt ra chẳng bao giờ lấy lại được, do đó xin các chị hãy cẩn trọng khi phát ngôn. Thánh Phaolô dạy: “Lời nói của anh em phải mặn mà dễ thương, để anh em biết đối đáp sao cho phải với mọi người” (Cl 4, 6).
1. Lời nói phải mặn mà dễ thương
Nhiều cặp vợ chồng dùng lời lẽ như viên đạn găm sâu vào trái tim bạn đời. Ví dụ như  khi chồng đi qua đêm không về. Vợ nói: “Anh chỉ biết có bạn bè, biết thế tôi đã chẳng thèm lấy anh”. Thay vì dùng lời lẽ kết án, chị hãy nói: “Khi anh đi suốt đêm cùng bạn bè, em cảm thấy như mình chẳng có ý nghĩa gì với anh”. Chắc chắn anh ta sẽ hối hận mà sửa sai. Kinh Thánh dạy: “Lời tử tế là tảng mật ong, làm cổ họng ngọt ngào, khiến xương cốt lành mạnh”  (Cn 16, 24).
Khi hai bên to tiếng với nhau, có nghĩa là việc cuộc đối thoại đã thất bại! Nếu nhiệt độ cuộc đối thoại nóng dần lên, thì đây là lúc cần phải ngưng lại. Sẽ tốt hơn, nếu các chị biết dừng đúng lúc, và chỉ đề cập lại khi hai bên đã hạ nhiệt:
“Chồng giận thì vợ bớt lời,
Cơm sôi nhỏ lửa một đời không khê”.
2. Để đối đáp sao cho phải
Chuyện một gia đình: Bầu trời u ám, chồng bước ra cửa đi làm, vợ nói vọng ra: “Trời sắp mưa đó anh”. Chồng nói vọng vô: “Ai mà không biết”. Người vợ nói hơi lớn tiếng: “Người ta nhắc để đem áo mưa mà cũng khó chịu”. Người chồng lớn tiếng theo: “Tôi lớn rồi, bộ con nít sao, chút chút lại nhắc. Lắm chuyện”. Bữa cơm tối hôm đó, chắc sẽ kém vui!
Nếu người chồng biết vợ thương mình, quan tâm đến mình, chắc anh sẽ đối đáp kiểu khác:

- Trời sắp mưa đó anh!

- Cám ơn em, anh có đem áo mưa đây.
Con gà mới tranh nhau tiếng gáy, vợ chồng đâu cần hơn thua! Cho dù thế nào đi nữa, thì tranh cãi chính là cuộc chiến mà hai bên “tham chiến” đều nhận sự thất bại.
Thánh Phaolô dạy: “Anh em đừng bao giờ thốt ra những lời độc địa, nhưng nếu cần, hãy nói những lời tốt đẹp, để xây dựng và làm ích cho người nghe” (Ep 4, 29). Vì thế, các chị hãy tránh nói bóng nói gió, nói xách nói mé, hay nghĩ một đằng nói một nẻo. Nói cho sáng tỏ vấn đề chứ không mượn vấn đề để chỉ trích và lên án nhau.
Thánh Francois de Salle còn khuyên: “Nói ít không phải là ít nói, mà là đừng nói những điều vô ích”. Ca dao cũng có câu: “Xẩy chân còn đỡ được, xẩy miệng hết đỡ”.
Vợ chồng hãy nói với nhau trong tinh thần cởi mở, yêu thương và chân thật; nhưng không đến độ phải “nói toạc móng heo”. Hãy suy nghĩ trước khi nói, xem đã đến lúc “cần nói” chưa? Những lời đó có mục đích “xây dựng và làm ích cho người nghe” không? (Ep 4, 29).
Mong sao các chị biết dùng những lời nói khôn khéo mà cư xử với nhau, để gia đình các chị luôn sống trong thuận hoà, an vui và hạnh phúc như gia đình Thánh Gia Thất xưa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét