Thứ Sáu, 2 tháng 5, 2014

GIA ĐÌNH KITÔ GIÁO



Gia đình Kitô giáo
trong cơn lốc thị trường

THIÊN PHÚC

Đứng trước nền kinh tế thị trường, nhất là cơ cấu cạnh tranh khốc liệt của thời đại WTO, gia đình Kitô giáo đang gặp rất nhiều khó khăn thử thách trong việc xây dựng và bảo vệ hạnh phúc gia đình, trong việc sống đạo và loan báo Tin Mừng. Bởi lẽ, thế giới ngày nay đang thay đổi một cách chóng mặt và xã hội con người cũng bị xoáy vào cơn lốc thị trường mà chao đảo thảm hại.
Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã ban hành Tông huấn "Đời sống Gia đình" như kim chỉ nam giúp Giáo hội và các bậc cha mẹ hiểu rõ hơn về bản chất và trách nhiệm của gia đình. Ngài viết: "Tương lai của thế giới và Giáo hội đi qua các gia đình" và "Tương lai của nhân loại sẽ đến qua gia đình" (ĐSGĐ, 75 và 86)
Vì thế, các bậc Hiền Mẫu chúng ta, hãy tìm hiểu về trách nhiệm xây dựng gia đình của mình. Trách nhiệm ấy rất nặng nề và khó khăn vì cơn lốc của nền kinh tế thị trường đang tác động hết sức tiêu cực và quyết liệt trên đời sống gia đình Việt Nam nói chung và gia đình Công giáo nói riêng.
A. Đặc điểm của nền kinh tế thị trường
Nền kinh tế thị trường xây dựng trên tự do mậu dịch và kinh tế đa thành phần, mà qui luật của nó là cạnh tranh. Có cạnh tranh thì chất lượng hàng hóa mới tốt, giá thành mới rẻ, người tiêu dùng mới hưởng lợi, vì phương châm: "Khách hàng là thượng đế". Nhưng tự do cạnh tranh sẽ dẫn tới cảnh "cá lớn nuốt cá bé" và phát sinh cạnh tranh "không lành mạnh", bằng cách lừa đảo hoặc cấu kết với nhau để đè bẹp và tiêu diệt kẻ khác, để có lợi nhiều hơn hay để độc quyền hưởng lợi. Bởi vì mục đích của nền kinh tế thị trường là lợi nhuận, càng nhiều lợi nhuận càng tốt. Lợi nhuận là động cơ thúc đẩy mọi người, mọi tổ chức lao động, sáng tạo, cạnh tranh không mệt mỏi.
Giá trị của kinh tế thị trường là đồng tiền: Đồng tiền là vua, là chúa, là tất cả: "Đồng tiền là tiên, là phật, là sức bật của tuổi trẻ, là sức khỏe của tuổi già, là cái đà của danh vọng, là cái lọng che thân, là cán cân công lý”. Người ta đánh giá con người qua đồng tiền mà người ấy kiếm được chứ không phải trên phẩm chất cuộc sống của người ấy. Kết quả là đời sống vật chất cũng như tinh thần của một bộ phận dân chúng được cải thiện và nâng cao, nhưng lại làm cho đời sống của một bộ phận khác trở nên tồi tệ gấp bội. Hố ngăn cách giữa người giầu và người nghèo, giữa nước giầu và nước nghèo ngày càng lớn: giầu thì càng giầu thêm, nghèo thì càng nghèo đi. Người ta thường nói: "Có tiền là có quyền và có quyền là có tiền."
B. Nền kinh tế thị trường tác động trên gia đình
1. Quá đề cao giá trị của đồng tiền.
Để có được các sản phẩm hay dịch vụ tốt nhất, nhanh nhất và rẻ nhất người ta phải có tiền. Có tiền là có tất cả. Không có tiền thì chẳng có gì! Xã hội là một nhà máy khổng lồ: sản xuất và cung cấp mọi sản phẩm và dịch vụ. Đồng thời cũng là một thị trường tiêu thụ khổng lồ: tiêu thụ mọi sản phẩm và thụ hưởng mọi dịch vụ. Thậm chí người ta sản xuất cả những sản phẩm không cần thiết và cung cấp cả những dịch vụ phi đạo đức, miễn sao thu được nhiều tiền. Vì thế, cha mẹ thì lo kiếm tiền để chi trả các hoá đơn và các nhu cầu ngày càng tăng cao trong gia đình, con cái thì lo học hành, học ngày học đêm, học thêm cả Chúa nhật. Hậu quả là những bữa cơm chung gia đình ngày càng thưa dần, mạnh ai làm việc của người ấy, không ai nói chuyện với ai, hiệp thông và chia sẻ là những từ ngữ chỉ còn nằm trong tự điển.
2. Giá trị đạo đức bị lãng quên.
Một khi vật chất được đề cao quá mức thì đời sống đạo đức sẽ bị lãng quên, đời sống tâm linh bị xem thường. Bởi vật chất là những gì sờ mó, cảm nhận, thụ hưởng ngay được, còn đạo đức và tâm linh là những giá trị vô hình, không sờ mó, cảm nhận được bằng giác quan! Thiên Chúa không còn giữ vị trí quan trọng trong cuộc sống cá nhân và gia đình nữa. Một khi Thiên Chúa đã bị loại bỏ khỏi tâm hồn và cuộc sống của con người thì họ chỉ biết sống theo sự thúc đẩy của bản năng thấp hèn. Lúc đó, chẳng còn tội ác nào mà họ không dám làm, như: buôn lậu, ma túy, mãi dâm, phá thai, buôn bán phụ nữ và trẻ em v.v…
3. Sống ích kỷ và khép kín.
Vì phải chạy theo lợi nhuận, để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, nên cuộc sống của mọi người lúc nào cũng bận rộn. “Cơm áo gạo tiền” thôi thúc họ phải chạy "đầu tắt mặt tối", không còn thời gian để sống và để … thở. Người trẻ thì học hành, thi cử, vui chơi giải trí! Người lớn thì lao động kiếm tiền, hưởng thụ cuộc sống. Con người sống bên cạnh nhau, nhưng hời hợt và ích kỷ, không quan tâm tới nhau, không biết tâm tư nguyện vọng của nhau, không chia sẻ với nhau nữa: mỗi người sống đóng kín trong thế giới của riêng mình.
4. Chạy theo lối sống thực dụng.
Người ta chạy theo vật chất và tiện nghi trong một thế giới chụp giật: nhanh thì còn, chậm thì hết, “mạnh được yếu thua”, từ đó phát sinh ra lối sống thực dụng: điều gì có lợi cho mình là tốt, điều gì không có lợi cho mình là xấu. Khốn thay, cái lợi ấy phải là cái lợi vật chất, cái lợi trước mắt và lập tức. Vì thế mà các mối quan hệ gia đình và bạn bè cũng không thoát khỏi sự tính toán và vụ lợi đó, từ đó mà quan hệ thân thuộc cũng lỏng lẻo dần và tình nghĩa anh em cũng phai nhạt đi.
C. Những phương thế cấp thiết
1. Đào sâu và nâng cao về Giáo lý
Nếu nền kinh tế thị trường có ưu điểm là chất lượng hàng hóa và dịch vụ phải tuyệt hảo, cũng như trình độ chuyên môn của con người phải không ngừng nâng cao, thì người Kitô hữu chúng ta phải là những con người có chất lượng cao, tức là phải hiểu biết sâu rộng về giáo lý, phải xác tín mạnh mẽ về niềm tin của mình, và nhất là phải hết lòng dấn thân phục vụ: quảng đại và yêu thương. Chỉ có cách sống đạo như thế, chúng ta mới có đủ sức chống lại làn sóng kinh tế thị trường đang ào ạt tấn công các gia đình trong thời buổi hôm nay.
2. Vun trồng đời sống tâm linh
Vun trồng đời sống tâm linh là sống đức tin như một người trưởng thành, một người có đời sống nội tâm sâu sắc, chứ không chỉ quan tâm đến những tổ chức nghi lễ bên ngoài. Người tín hữu trưởng thành không phải là người chỉ vui với những sinh hoạt đạo đức mà phải là người thực sự có mối tương quan sống động và mật thiết với Thiên Chúa. Người tín hữu trưởng thành không phải là người chỉ lo chu toàn lề luật, mà phải là người biết sống theo thánh ý Chúa trong một lương tâm ngay thẳng. Muốn có đời sống tâm linh sâu sắc, gắn bó với Thiên Chúa thì chúng ta không thể coi thường các phương thế truyền thống của Giáo hội như tham dự thánh lễ và lãnh nhận các bí tích. Hơn nữa, chúng ta còn phải biết thinh lặng, suy tư và cầu nguyện trước Chúa Giêsu Thánh Thể, biết đọc và suy niệm Kinh Thánh trong ngày sống.

3. Tạo hạnh phúc cho nhau và cho con cái
Hai mục đích chính của Hôn nhân Kitô giáo là tạo hạnh phúc vợ chồng và giáo dục con cái nên người trưởng thành. Để có được hạnh phúc trong hôn nhân thì vợ chồng phải luôn yêu thương nhau. Tình yêu  ấy phải được thể hiển bằng sự quan tâm, chăm sóc cho nhau. Tình yêu ấy phải được bày tỏ bằng sự kính trọng và nhường nhịn nhau. Tình yêu  ấy phải được minh chứng bằng việc tha thứ cho nhau và dành thời giờ cho nhau. Tình yêu  ấy còn phải thông ban xuống con cái là những quà tặng Thiên Chúa đã trao ban, để vợ chồng biết nuôi dạy con cái theo gương Đức Maria và Thánh Giuse: "Đức Giê-su ngày càng thêm khôn ngoan thêm cao lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta”(Lc, 2,52).
Một gia đình yêu thương, đầm ấm là Thiên đường dưới thế. Một gia đình bất hòa, chia rẽ là địa ngục trần gian. Muốn xây dựng Thiên đường ấy, chắc chắn các chị phải dầy công vun đắp, phải biết tận dụng những thuận lợi tự nhiên và những ơn trợ lực siêu nhiên mà Thiên Chúa đã trao ban.
Chúng ta có Thánh Gia Thất là Gương Mẫu, là Quan Thày, là Nguồn Ơn trợ giúp, chắc chắn chúng ta sẽ đạt dược ý nguyện của mình đúng như lòng Chúa mong ước, để vượt qua cơn lốc thị trường mà về đến quê bình an.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét