Thứ Sáu, 2 tháng 5, 2014

KẺ THÙ CỦA HÔN NHÂN



KẺ THÙ CỦA hôn nhân
THIÊN PHÚC
Một cô gái Mỹ, sau tuần trăng mật đã ghi vào nhật ký như sau: “Bắt đầu đi với chàng như ngồi trên xe Cadilac mới tinh. Sau tuần trăng mật, đúng là cưỡi lạc đà mà về.”
Còn một anh chồng khác thì tuyên bố: “Tôi lấy được nàng như trúng số độc đắc”. Vài năm sau, gặp lại, có người hỏi thăm về lô độc đắc chàng trúng như thế nào rồi. Chàng mỉm cười đáp: “Dò kỹ lại, thấy trật một con số đuôi!”
Qua những mẩu chuyện trên đây, chúng ta thấy rằng, có những cuộc hôn nhân không như mong muốn. Bởi vì họ đã mở cửa khu vườn tình ái cho những con chồn nhỏ phá hại vườn nho. Sách Diễm Ca viết: “Hãy bắt giúp chúng tôi lũ chồn, lũ chồn con phá phách vườn nho, ngay giữa mùa hoa nở” (Dc 2, 15). Nhiều cặp vợ chồng đã không bắt những “con chồn”, mà còn nuôi nấng nó tử tế, chăm sóc nó tận tình, ôm ấp nó trìu mến như những con thú cưng. Như vậy, làm sao mà không ly thân, ly dị cho được?!
         
Vợ chồng phải nhận diện ra những “con chồn” đó, và tìm phương thế để “bắt” nó, đem nó ra khỏi vườn nho. Những “con chồn” ấy có tên là: Giận Hờn, Kêu Rêu và Tự Ái.
1. Giận Hờn
Vợ chồng nhiều lúc giận hờn nhau, không cầu nguyện cho nhau mà chỉ chực “cầu siêu” cho nhau mà thôi!
“Giận nhau là phát cơn điên,
Người khôn hoá dại, người hiền hoá ngu.”
          Mỗi lần giận hờn là đang rót cho nhau mật đắng. Khi lấy nhau, người ta cứ tưởng vợ chồng là mật ong cho nhau, ai ngờ lại mật gấu thế này!
          Vợ chồng nào chẳng có lúc giận hờn nhau, nhưng phải lấy tình thương, sự dịu dàng và ôn hoà mà giải quyết ngay. Nhất là, phải sớm quên đi nỗi buồn và quảng đại tha thứ cho nhau.
Vợ chồng Công Giáo cần luyện tập theo lời Kinh Thánh: “Mỗi người phải mau nghe, đừng vội nói, và khoan giận” (Gc 1, 19).
2. Kêu Rêu
Con thú không nói, con thú kêu. Chỉ có con người vừa nói lại vừa kêu như thú. Bình thường con người nói để diễn đạt tư tưởng và truyền thông. Nhưng khi đau khổ, bực bội thì con người kêu rêu. Kêu rêu có “hai người bạn” chí thân, đó là than thở và cằn nhằn. Than thở với chính mình và cằn nhằn với người khác.
Than thở là một cách loại trừ cái gì làm cho người ta khó chịu. Nếu có người lắng nghe thì sự khó chịu đó vơi đi dễ dàng. Chúng ta thích dùng mỹ từ “tâm sự” hơn là than thở.
          Có ông chồng lấy phải bà vợ cằn nhằn. Chuyện gì bà cũng cằn nhằn và cằn nhằn cả những lúc bạn bè tới nhà chơi. Rồi chẳng may bà qua đời. Lúc tiễn đưa vợ ra nghĩa trang, người chồng đi sau quan tài vợ, nói với người bạn thân đi bên cạnh: “Đây là lần đầu tiên, tôi đi với bà nhà tôi mà không bị cằn nhằn.”
Kêu rêu, than thở, cằn nhằn là những con chồn phá hại khu vườn tình ái của các chị. Hãy bắt nó ra khỏi khu vườn. Khi có điều gì không thoả lòng, hãy nghĩ đến những ơn lành Chúa ban cho mình qua người bạn đời và dâng lời tạ ơn, thì sẽ hết kêu rêu, than thở, cằn nhằn ngay. Có như thếâ, dù bữa cơm hôm ấy có đạm bạc đến mấy cũng trở nên thơm ngon:
“Đầu tôm nấu với ruột bầu,
Chồng chan, vợ húp gật đầu khen ngon.”
Các chị có một người bạn thân, hiểu rõ tâm sự của mình, đó là Chúa Giêsu, Người sẽ “Cảm thương những nỗi yếu hèn của chúng ta” (Dt 4, 15). Vậy các chị hãy chạy đến than thở với Người để được Người “Xót thương và lãnh được ơn trợ giúp mỗi khi cần” (Dt 4, 16).
3. Tự Ái
Cầm một tấm hình chụp chung, con mắt chúng ta liền đảo tìm bóng dáng mình trước, chiêm ngưỡng dung nhan mình đầu tiên, cho dù là thứ dung nhan dưới điểm trung bình.
Người ta thích tặng cho nhau một loại hoa nhỏ năm cánh màu tím điểm vàng. Nó có tên là “Forget me not”: Xin đừng quên tôi.
Tự ái là chỉ nghĩ tới mình, chỉ yêu mình thôi. Chính nó đã khiến vợ chồng đòi hỏi nhau quá đáng và ít thoả lòng điều người phối ngẫu làm cho mình.
Tính tự ái đã khiến vợ chồng không nhìn rõ thực tế, suy luận một chiều. Đã trót nói sai, làm sai thì tìm cách bào chữa hay lôi những cái sai của nhau trong quá khứ để chỉ trích, khoả lấp cái sai của mình.
Hãy loại bỏ “con chồn” tự ái ra khỏi đời sống hôn nhân. Đừng để nó phá hoại khu vườn tình ái mà các chị đã dày công tạo dựng.
Văn Trung Tử nói: “Nghe lời chê bai mà giận là làm ngòi cho người ta gièm pha. Nghe câu khen ngợi mà vội mừng là làm mồi cho người ta nịnh hót”.
Tuân Tử cũng có câu: “Người chê ta mà chê phải là thầy ta, người khen ta mà khen phải là bạn ta, những kẻ vuốt ve, nịnh bợ ta chính là kẻ thù của ta.”
Nếu dẹp bỏ được tính tự ái thì chúng ta chỉ có thầy, có bạn mà không có kẻ thù. Vợ chồng mà dẹp được tính tự ái, sẽ sống với nhau rất vui tươi, thanh thản.
Một người đi qua sa mạc, không khó chịu vì bãi cát trên sa mạc, mà khó chịu vì những hạt cát lọt vào trong giầy. Loại bỏ những hạt cát trong giầy, sẽ thấy dễ chịu ngay. Những hạt cát trong đời sống gia đình chính là tính Nóng Giận, Kêu Rêu và Tự Ái.
Để hạnh phúc ở luôn mãi trong gia đình, các chị hãy nhớ thực hành lời thánh Giacôbê khuyên: “Mỗi người phải mau nghe, đừng vội nói, và khoan giận” (Gc 1, 19).
Hôn nhân không phải là kết bạn để vui đùa trong chốc lát, mà là một cuộc sống chung lâu dài: Chia sẻ và nâng đỡ nhau vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống, để lớn lên trong tình vợ chồng, và trưởng thành hơn trong nhân cách. Thế nên, phải đầu tư tim óc để nuôi dưỡng và bảo vệ cuộc hôn nhân này.
Xin cho những tháng ngày các chị sống bên chồng con là thời gian tốt đẹp nhất, để tay trong tay, các chị cùng với chồng mình, cùng nhau sánh bước qua mọi cảnh huống cuộc đời, hầu đạt tới bến bờ hạnh phúc mà các chị hằng mong ước.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét