Thứ Sáu, 2 tháng 5, 2014

NGHỆ THUẬT TRÒ CHUYỆN



Nghệ thuật trò chuyện
THIÊN PHÚC

Thường Tung là bậc thầy của Lão Tử. Ngày kia, Thường Tung đau nặng sắp chết. Lão Tử đến bên giường thầy mình mà thưa:
-         Thưa thầy, thầy sắp bỏ chúng con mà đi. Vậy còn điều gì muốn dạy dỗ, xin thầy hãy nói hết cho chúng con nghe.
Thường Tung mới há miệng ra, hỏi Lão Tử:
-         Răng ta còn không?
-         Dạ thưa thầy, rụng hết rồi ạ!
-         Lưỡi ta còn không?
-         Dạ thưa còn!
-         Vậy, con hãy nhớ cho kỹ: Răng cứng thì rụng hết. Lưỡi mềm thì còn lại. Hãy xem bài học này như lời trăng trối sau cùng của ta.
Câu chuyện trên, khuyên chúng ta hãy sống mềm mỏng, dịu dàng, ôn hoà và nhường nhịn nhau. Xin gửi đến các chị những gợi ý sau đây:

1. Hãy nói lời mặn mà dễ thương

Nhiều cặp vợ chồng dùng lời lẽ như viên đạn găm sâu vào trái tim bạn đời. Ví dụ như  khi chồng đi qua đêm không về. Vợ nói: “Anh chỉ biết có bạn bè, biết thế tôi đã chẳng thèm lấy anh”. Thay vì dùng lời lẽ kết án, chị hãy nói: “Khi anh đi suốt đêm cùng bạn bè, em cảm thấy như mình chẳng có ý nghĩa gì với anh”. Chắc chắn anh ta sẽ hối hận mà sửa sai. Kinh Thánh dạy: “Lời tử tế là tảng mật ong, làm cổ họng ngọt ngào, khiến xương cốt lành mạnh” (Cn 16, 24).
Muốn cho cuộc sống hôn nhân luôn mới mẻ, các chị hãy ý thức về tình yêu và hạnh phúc mình đang có. Hãy dành cho nhau những lời yêu thương ngọt ngào, những lời cảm ơn chân thành. Hãy nói thành lời để diễn đạt tình yêu và hạnh phúc. “Một lời nói đáng yêu cũng giống như một ngày xuân”. Đừng chôn vùi những tình cảm biết ơn, quý mến ở trong lòng. Hãy nhắc cho nhau cái may mắn được chung sống hạnh phúc bên nhau. Một lời nói vô ý có thể là một hiểm họa xung đột, một lời nói nóng giận có thể làm tan rã một gia đình. Nhưng một lời nói yêu thương có thể chữa lành thương tích và mang lại bình an.
2. Hãy nói nhã nhặn, tế nhị

Chuyện một gia đình: Bầu trời u ám, chồng bước ra cửa đi làm, vợ nói vọng ra: “Trời sắp mưa đó anh”. Chồng nói vọng vô: “Ai mà không biết”. Người vợ nói hơi lớn tiếng: “Người ta nhắc để đem áo mưa mà cũng khó chịu”. Người chồng lớn tiếng theo: “Tôi lớn rồi, bộ con nít sao, chút chút lại nhắc. Lắm chuyện”. Bữa cơm tối hôm đó, chắc sẽ kém vui! 

Nếu chồng biết vợ thương mình, quan tâm đến mình, chắc anh sẽ đối đáp kiểu khác: Vợ: “Trời sắp mưa đó anh”. Chồng đáp: “Cám ơn em, anh có đem áo mưa đây”.

Thánh Phaolô dạy: “Anh em đừng bao giờ thốt ra những lời độc địa, nhưng nếu cần, hãy nói những lời tốt đẹp, để xây dựng và làm ích cho người nghe” (Ep 4, 29). Vì thế, các chị hãy tránh nói bóng nói gió, nói xách nói mé, hay nghĩ một đằng lại nói một nẻo. Nói cho sáng tỏ vấn đề chứ không phải mượn vấn đề để chỉ trích và lên án nhau. Ca dao có câu: “Xẩy chân còn đỡ được, xẩy miệng hết đỡ”.

3. Nói những điều tích cực

Chẳng có anh chồng nào muốn nghe vợ mình thủ thỉ: “Ngày xưa, có hàng chục anh theo đuổi em”. Những câu tào lao kiểu này chỉ dẫn đến kết cục tồi tệ mà thôi! Hãy nghĩ tới những gì là vui thú, là tích cực; và tránh những điều mà chẳng ai muốn nhắc tới.
Vợ chồng hãy nói với nhau trong tinh thần cởi mở, yêu thương và chân thật; nhưng không đến độ phải “nói toạc móng heo”. Không phải tất cả mọi chuyện đều phải nói ra. Nếu “Sự thật mất lòng” thì nói ra làm chi cho đau lòng nhau! Nếu người ta khuấy nước ao tù lên, một lớp bùn sẽ nổi lên trên mặt nước. Cha ông ta đã dạy con cháu:
“Chim khôn kêu tiếng rảnh rang,
Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe.”

4. Người nói phải có kẻ nghe
 
Chuyện trò, phải có người nói kẻ nghe. Nếu chị cứ thao thao bất tuyệt mà không để ý đến chồng đang buồn ngủ, thì chị đừng trách là "Anh không quan tâm, nói chuyện với vợ mà đầu óc nghĩ tới con nào?"

Theo cơ chế tâm lý sinh học, đàn ông chỉ tập trung nghe những chuyện vặt trong vòng 3 phút. Khi chuyện kéo dài, anh sẽ ù tai, và… "điếc"! Bởi vậy, nếu muốn anh lắng nghe, chị hãy nói ngắn gọn thôi. Hãy xử dụng điểm nghỉ thông minh, bằng cách đặt câu hỏi, để anh quan tâm tới câu chuyện của chị hơn. 

5. Nói cho rõ ý mình

Đừng bắt chồng mình phải tự đoán ra ý nghĩ của mình. Hãy nói rõ ràng cho họ biết nỗi lòng của mình. Shakespear đã viết: “Không có một gia sản nào cao quý cho bằng sự chân thật”. Hãy chân thật nói ra ý mình, nhưng nói một cách nhẹ nhàng và đừng áp đặt người kia phải theo mình. Bởi lẽ, áp đặt là thiếu tôn trọng người bạn đời, mà thiếu tôn trọng nhau là thiếu nền tảng cho hạnh phúc lứa đôi.

6. Đừng nói lời buộc tội

Sớm muộn gì, cũng có những giờ phút “Sóng to gió lớn”. Những lúc ấy, đừng bao giờ nói những câu “Cạn tầu ráo máng”, những lời mà khi “Sóng yên biển lặng” qua rồi, thì vết thương vẫn không chịu khép lại trong tâm trí bạn đời. Ví dụ như câu: Em đã phạm sai lầm lớn nhất đời mình là kết hôn với anh...”, hay vợ nói với chồng: Thật ra, bản chất của anh là ích kỷ, giả dối…” Vợ chồng bước đi bên nhau trong đời mà nói với nhau những lời như thế, thì có khác gì dẫm đạp lên đời nhau! Thật là đau đớn!
“Lời nói chẳng mất tiền mua,
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”.

Nếu không hài lòng điều gì, các chị chỉ nói giới hạn trong sự kiện đó, chứ đừng bao giờ buộc tội người bạn đời. Hãy quan sát chứ đừng đánh giá. Ví dụ: Chị thấy anh chở một cô gái. Không nên vội đánh giá: “Anh là con người lăng nhăng, bội bạc”. Nếu bình tĩnh, chị sẽ hỏi: “Hôm qua anh chở cô nào đi đâu đó, làm em lo quá?”. Chị sẽ có câu trả lời ngay: “À, anh đưa cô em họ vô nhà thương thăm người bệnh”. Những lời buộc tội sẽ là những liều thuốc độc giết chết tình yêu, là những nấm mồ chôn sống hạnh phúc gia đình!

7. Nói cho đúng lúc
 
Khi anh đang dán mắt vào màn hình xem đội Chelsea đấu với Manchester mà chị lại hỏi: "Anh ơi, cái Thúy đang giận mẹ chồng đấy. Khuyên nó thế nào bây giờ nhỉ?" thì chắc chắn, chị không có câu trả lời! Hỏi đàn ông một câu “trời ơi” như vậy lúc họ đang xem bóng đá là điều không tưởng. Hơn nữa, đàn ông không có khả năng làm cùng một lúc nhiều việc thuộc trí óc. Vì thế, chị chỉ nhận được những cái cau mày, và những lời càu nhàu mà thôi!

Việc chọn sai thời điểm, sẽ làm anh khó chịu còn chị cảm thấy bị coi thường. Vậy, trước khi bắt đầu một câu chuyện với chồng, hãy để ý xem "ảnh" đang làm gì, đừng nhân lúc chồng đọc báo hay lên mạng mà bàn chuyện mua quà biếu ông bà ngoại vào dịp tết Nguyên Đán. Nếu anh đang giúp chị nấu ăn hay đưa chị đi shoppingï thì tha hồ mà hỏi. 

Chúa dựng nên ta có một cái miệng nhưng lại có hai cái tai, là có ý dạy ta: Hãy mau nghe nhưng chậm nói. Nghĩa là trước khi nói hãy suy nghĩ cho kỹ. Người khôn ngoan sẽ “Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói”. Bởi lời nói rất quan trọng, nó có thể xây dựng mà cũng có thể phá đổ hạnh phúc của các chị.
Nếu các chị biết dùng lời nói cho khôn khéo, biết nói đúng lúc đúng nơi, và chỉ nói những điều cần nói, thì các chị đã thành công trong đời sống hôn nhân rồi. Thành quả đó là những bông hồng tươi thắm, nở rộ trong vườn hoa gia đình của các chị.
Mong rằng các chị sống được như lời chúc phúc của Sách Huấn Ca:
“Phúc thay kẻ biết xử sự khôn khéo, kẻ nói mà người ta lắng tai nghe” (Hc 25, 9).
Cầu chúc cho cuộc hôn nhân của các chị mãi mãi là mùa xuân hạnh phúc, trong bàn tay yêu thương của Thiên Chúa Tình Yêu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét