Thứ Sáu, 2 tháng 5, 2014

NÓI LỜI CẢM ƠN


NÓI lời cảm ơn
THIÊN PHÚC

Xin kể cho các chị nghe một vài tình tiết thường xảy ra trong các gia đình như sau:
Ngày đón vợ mới sinh từ bệnh viện trở về, chồng hớn hở như con trẻ được quà, cầm bó hoa tươi thắm để vào tay vợ: "Cảm ơn em đã sinh cho anh đứa con xinh xắn!” Người vợ bình thản, không một lời cảm ơn, không một dấu mãn nguyện!

Đón vợ về nhà, anh mua gà ác, tự tay hầm thuốc bắc cho vợ, để “bồi bổ cho em mau lại sức”. Thế mà! Vợ vẫn … im như thóc! 

Buồn quá phải không các chị? Thế mà chúng ta vẫn bắt gặp nhiều trường hợp tương tự như thế trong các gia đình. Tại sao vậy? Phải chăng người ta “quen quá hoá nhàm”, người ta không còn nhận ra lòng tốt của nhau? Hay người ta coi đó là chuyện đương nhiên? Thế nhưng, Thánh Phaolô luôn viết thư cảm ơn các giáo đoàn đã giúp đỡ ngài: “Quà anh em tặng cho tôi đó, chẳng khác nào hương thơm, lễ vật đẹp lòng Thiên Chúa và được Người chấp nhận” (Pl 4, 10). Cám ơn không chỉ là bổn phận của người thụ ân mà còn chứng tỏ mình là một con người có nhân cách.

-         Cảm ơn người trong nhà

Có người nghĩ rằng: Vợ chồng quá quen nhau rồi, đâu cần phải cảm ơn, cần gì phải khách sáo. Người khác thì bảo: Nhiều lúc muốn nói lời cảm ơn khi chồng tặng quà cho mình, nhưng khó nói quá, đành phải dùng điện thoại nhắn tin cảm ơn. Kẻ khác lại bảo: Chỉ với người lạ mới cần cảm ơn, người trong nhà, cầu kỳ như thế làm gì, đến bố mẹ đẻ mà mình cũng chẳng nói lời cảm ơn huống chi là vợ chồng!

-         Lịch sự với người ngoài

Thực ra, văn hóa cảm ơn của chúng ta vẫn có, và vẫn thể hiện hằng ngày, nhưng là với... người dưng! Đi chợ, người ta cho thêm cọng hành nấu canh, buột miệng cảm ơn ngay. Người đi đường nhắc cái chân chống xe chưa gạt, cũng với theo cảm ơn. Sao những lời cảm ơn như thế lại nói trơn tru như vậy? 

Phải chăng ta chỉ giữ thể diện với hững kẻ xa lạ; còn với người thân, với vợ chồng thì không cần thiết? Lời cảm ơn khó nói với người thân là thế! Nhưng những lời trách móc, thì chúng ta lại “xổ ra” quá dễ dàng!

-         Noi gương cho con cái

Hằng ngày, chúng ta vẫn dạy con cái phải biết nói "cảm ơn" khi chúng ta làm cho chúng việc gì. Tại sao vợ chồng giúp nhau bao nhiêu việc mà chúng ta chẳng thốt ra được một lời cảm ơn! Vậy làm sao chúng ta dạy dỗ con cái? Đâu là gương sáng cho chúng noi theo?

Ngạn ngữ có câu:
“Lời nói lung lay, gương bày lôi kéo”.

Hơn nữa, không chỉ dạy con cái biết cảm ơn cha mẹ, mà còn phải dạy chúng nhớ ơn thầy cô, ông bà, cô bác v.v., những người làm ơn cho mình, cách này hay cách khác.

-         Lời cảm ơn giữa vợ chồng

Cha ông ta đã dạy: “Phu phụ tương kính như tân". Nghĩa là vợ chồng kính trọng nhau như khách quý, thì hạnh phúc mới bền lâu. Nếu người dưng nước lã mà ta còn giữ lễ phép, thì với người thân, ta còn phải tỏ lòng biết ơn đến thế nào! Hơn nữa, lời cảm ơn không chỉ chứng tỏ mình là người có nhân cách mà nó còn bày tỏ tình yêu dành cho nhau nữa. 

Lời cảm ơn giữa vợ chồng chẳng bao giờ là lời khách sáo. Đó là thể hiện lòng biết ơn, tôn trọng và quý mến người bạn đời của mình. Khi cuộc sống gia đình thiếu sự tôn trọng và quý mến nhau, thì hạnh phúc cũng mau chóng đội nón ra đi!

Biết nói lời cảm ơn, các chị sẽ nhận được rất nhiều, nhiều hơn những gì các chị mong đợi. Tình yêu không chỉ là sự thấu hiểu thầm lặng, bằng những cử chỉ chăm sóc cho nhau, mà tình yêu còn được hâm nóng và thăng hoa bằng những lời "cảm ơn" chân thành với người mình thương yêu nhất.

Thánh Phaolô luôn viết thư cảm ơn các giáo đoàn đã giúp đỡ ngài: “Quà anh em tặng cho tôi đó, chẳng khác nào hương thơm, lễ vật đẹp lòng Thiên Chúa và được Người chấp nhận” (Pl 4, 10). Xin ngài giúp các chị luôn thể hiện lòng biết ơn đối với mọi người, nhất là đối với chồng con mình, qua đó các chị cũng biết trân trọng những ân huệ mà Chúa đã trao tặng cho cuộc đời của các chị.

Ước mong các chị luôn sống trong tâm tình biết ơn Chúa và cảm ơn nhau, để hạnh phúc luôn ngự trị trong gia đình các chị mãi mãi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét