Thứ Sáu, 2 tháng 5, 2014

LỜI ĂN TIẾNG NÓI



LỜI ĂN TIẾNG NÓI
THIÊN PHÚC
Thường Tung là bậc thầy của Lão Tử. Ngày kia, Thường Tung đau nặng sắp chết. Lão Tử đến bên giường thầy mình mà thưa:
-         Thưa thầy, thầy sắp bỏ chúng con mà đi. Vậy còn điều gì muốn dạy dỗ, xin thầy hãy nói hết cho chúng con nghe.
Thường Tung mới há miệng ra và hỏi Lão Tử:
-         Răng ta còn không?
-         Dạ thưa thầy, rụng hết rồi ạ!
-         Lưỡi ta còn không?
-         Dạ thưa còn!
-         Vậy, con hãy nhớ cho kỹ: Răng cứng thì rụng hết. Lưỡi mềm thì còn lại. Hãy xem bài học này như lời trăng trối sau cùng của ta.
Câu chuyện trên, khuyên các chị hãy sống mềm mỏng, dịu dàng, ôn hoà và nhường nhịn trong đời sống gia đình. Nói đến nhường nhịn, mọi người đều nghĩ ngay đến phụ nữ, như một thuộc tính đặc trưng không ai thay thế được. Nhưng nhiều đàn ông cho rằng, nói về sự nhường nhịn, chính các ông mới là cao thủ số một.

Cứ nhìn vào các trận chiến trong gia đình mà xem. Hàng ngày các ông luôn phải chịu đựng sự cằn nhằn kinh niên của các bà vợ: Nào là tiền chợ mắc mỏ, nào là tiền điện nước leo thang, nào là con cái không nghe lời, nào là máy móc trong nhà hư hỏng, v.v.. Ơi thôi! Đủ điều, không thiếu sự gì mà các bà không ca cẩm, và chỉ có các ông mới là người bị… tra tấn! Riết rồi, phải “im đi” cho “Cửa nhà êm ấm”.  

“Bên thẳng thì bên phải chùng,
Hai bên cùng thẳng sau cùng đứt dây.”

“Nói nhiều” có lẽ là một trong những khuyết điểm của phụ nữ. Vì thế, Sách Châm Ngôn mới có câu khen người phụ nữ ăn nói khéo léo: 

“Nàng khôn ngoan trong lời ăn tiếng nói, và dịu dàng khi dạy dỗ bảo ban” (Cn 31, 26).

Để được như lời khen ngợi của Kinh Thánh, xin gửi đến anh chị 3 gợi ý sau:
1.     Cần đối thoại với nhau
Đối thoại trong đời sống vợ chồng, chính là đi vào nội tâm của nhau, để lắng nghe những tâm tình và nhu cầu của nhau. Đối thoại như thế, chính là cùng nhau “nên một” trong yêu thương.
“Nên một” với nhau trong thân xác và tâm hồn là xem như thuộc trọn về nhau, nghĩa là muốn điều thiện hảo cho nhau mà thôi. Và điều thiện hảo lớn nhất mà hai vợ chồng mong muốn cho nhau là gì, nếu không phải là được sung mãn trong nhân cách, nhất là được trở nên thánh thiện.
Nhưng ước muốn đó chỉ có thể thực hiện được bằng sự tôn trọng và lắng nghe nhau, cũng như giúp nhau phát triển những ưu điểm và thắng vượt những khuyết điểm.
2. Khuyết điểm của phụ nữ
Về việc đối thoại, một nhà Tâm Lý Học đã nêu lên một số khuyết điểm của phụ nữ như sau:
§ Trước hết, họ hay ngắt lời chồng. Thái độ này không chỉ nói lên cái khuynh hướng muốn làm chủ của người vợ. Nó còn cho thấy, họ không muốn hoặc không ý thức về vai trò “trợ giúp” cho chồng.
§ Thứ đến, đó là không chú tâm đến câu chuyện của chồng. Thái độ này đã đưa người chồng đến chỗ khép kín và lạnh nhạt. Sự đối thoại là cơ bản của đời sống Hôn Nhân. Nhưng để có sự đối thoại, cần phải biết lắng nghe.
§ Cuối cùng, đó là sự thiếu cẩn mật. Tự bản chất, người phụ nữ nào cũng thích tâm sự. Nhưng không phải tất cả mọi bí mật đều có thể đem ra chia sẻ. Nhất là, khi những bí mật đó liên quan đến chồng mình hoặc do chồng cung cấp. Có biết bao ông chồng đã phải trả giá quá đắt, vì đã trót nói với vợ những điều mà vợ không biết giữ kín!
Ca dao có câu:
“Vàng sa xuống giếng khó tìm,
Người sa lời nói như chim sổ lồng.”
Vì thế, thay vì đòi hỏi chồng phải hoàn hảo, rồi trách cứ chồng, thì người vợ nên tự xét mình trước đã. Có lời Kinh Thánh rằng: Đàn bà lắm điều như nhà dột ngày mưa  (Cn 27, 15).
Cha ông ta đã dạy:
“Ăn lắm thì hết miếng ngon,
Nói lắm thì hết lời khôn hóa rồ.”
Mong sao, lời nói của các chị được như người phụ nữ mà Kinh Thánh đã khen ngợi: “Nàng khôn ngoan trong lời ăn tiếng nói, và dịu dàng khi dạy dỗ bảo ban” (Cn 31, 26).
Hãy tạ ơn Chúa vì Người đã tặng ban cho các chị một người chồng trợ giúp đắc lực. Các chị hãy trân trọng món quà cao quý đó, và quyết tâm sống xứng đáng là người vợ hiền và người mẹ gương mẫu.
Chúc cho gia đình các chị sẽ là một tổ ấm an bình, hạnh phúc và tràn đầy tình yêu thương.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét