Thứ Sáu, 2 tháng 5, 2014

PHÚC ĐỨC TẠI MẪU



Phúc đức tại mẫu
     
THIÊN PHÚC

Ngạn ngữ có câu: “Yêu thương bắt đầu từ trong gia đình” (Charity begins at home). Cha mẹ hướng dẫn, giáo dục con cái bằng tình yêu thương. Nhất là người mẹ, luôn nâng đỡ chở che những đứa con, bằng trái tim hiền mẫu, một trái tim dạt dào tình yêu.

          Công đồng Vaticanô II viết: “Tự bản tính, hôn nhân và tình yêu vợ chồng phải hướng về việc sinh sản và giáo dục con cái, vì đó là chóp đỉnh cao đẹp của hôn nhân” (GS 48). Trách nhiệm giáo dục con cái thật vất vả, nhưng cũng là niềm vinh dự cho các bậc Hiền Mẫu chúng ta:

“Mẹ nuôi con bấy lâu rồi,
Nuôi con khôn lớn thành người mới nghe.”

Công việc giáo dục con cái đòi hỏi các chị phải kiên trì mới thành công được. Khổng Tử nói: “Kế một năm là trồng lúa, kế mười năm là trồng cây, kế trăm năm là trồng người”.

Ca dao có câu:

“Sinh con chẳng dạy chẳng răn,
Thà rằng nuôi lợn cho ăn lấy lòng.”

Vì thế, để con cái trở thành niềm vui và mang lại hạnh phúc cho gia đình, xin gởi đến các chị 5 Phương pháp giáo dục con cái sau đây:

1.     Giáo dục con trong gia đình

Trong gia đình, con cái kế thừa nhân cách từ cha mẹ, bởi thế có câu: “Con nhà tông chẳng giống lông cũng giống cánh”. Gia đình là trường học đầu tiên. Cha mẹ vừa là người bạn, là người thầy, là nhà mô phạm mẫu mực cho con. Nhất là người mẹ, thường ở bên cạnh con, để dạy con những hành vi đạo đức như đi thưa về trình, biết kính trên nhường dưới, phân biệt đúng sai phải trái, biết chọn cái xấu cái đẹp. Ơng cha ta có dạy:
“Trời sinh ra đã làm người,
Hay ăn, hay nói, hay cười, hay chơi.
Khi ăn thì phải lựa mùi,
Khi nói thì phải lựa lời, chớ sai.
Khi vui, chớ có vội cười,
Nơi không lễ phép chớ chơi làm gì!”

          Mẹ Thầy Mạnh Tử cũng có cách dạy con rất ấn tượng: Một hôm Thầy Mạnh Tử trốn học. Bà mẹ đang ngồi dệt cửi, thấy con bỏ họ về nhà, bà lấy dao rạch đứt tấm vải đang dệt, nghiêm nghị bảo con: “Con đi học mà trốn học, thì cũng như mẹ đang dệt tấm vải này mà rạch đứt nó đi vậy”. Từ hôm đó, Thầy Mạnh Tử học tập chuyên cần, sau này trở thành một bậc hiền tài của Trung Quốc.

“Uốn cây từ thuở còn non,
Dạy con từ thuở con còn thơ ngây.”

Các chị cũng nên dạy con cái biết tính toán và tiết kiệm:

“Làm người phải biết tiện tằn,
Đồ ăn thức mặc có ngần ấy thôi,
Những người đói rách tả tơi,
Bởi phụ của trời mà chẳng nên ăn.”

Theo các chuyên gia tâm lý, kiến thức người ta học được phần lớn là những năm đầu đời. Thời mà đứa trẻ ở nhà với cha mẹ, có tác động rất lớn đến tâm lý của chúng suốt thời kỳ ấu thơ và tuổi dạy thì.

Nghiên cứu cho thấy, nếu cha mẹ yêu thương tôn trọng nhau thì sau này con cái cũng sẽ như vậy với vợ hoặc chồng của chúng. Ngược lại, trẻ sinh ra trong gia đình thiếu tình thương, nhiều bạo lực và xích mích, sẽ gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống sau này.

2.     Giáo dục con ngoài xã hội

Môi trường xã hội cũng tác động trực tiếp vào sự hình thành nhân cách trẻ. Trong thời buổi bùng nổ công nghệ thông tin này, thế hệ @ của các em được tiếp cận với Internet, một chân trời mới rộng mở trước mắt. Nhưng nếu các bậc cha mẹ không quan tâm theo dõi thì tai hại cũng khó lường. Nếu các em  truy cập vào các trang Web để lấy thông tin, hoặc tài liệu để học tập thì quá tốt. Nhưng nếu các em lại tiêu tốn thời gian vào việc Chat với bạn bè, chơi game online, thậm chí tìm bạn trên mạng, tệ hơn nữa lại tò mò vào các trang đen để tìm hiểu về giới tính, tìm đọc các truyện dâm ô thì thật là vô cùng tai hại.

Các chị cũng cần quan tâm đến bạn bè của con, ở trường, ở khu xóm, xem chúng chơi với bạn tốt hay xấu, xem cách cư xử của chúng với bạn bè thế nào, nói năng ra sao, có giữ chữ tín với bạn bè không, có thân thiện hòa nhã với mọi người không. Cha ông ta thường nói:

“Con tài lo láo lo kiêu,
Con ngu thì lại lo sao kịp người.”
         
Nếu còn trong độ tuổi học sinh, thì không nên cho con sử dụng điện thoại, vừa tốn tiền không cần thiết, vừa không để các em tập trung vào việc học, vì phải hẹn hò, nhắn tin, tán gẫu với bạn bè. Các em khác không có điện thoại thì sinh lòng ganh tị, còn bản thân các em thì nổi lên tính khoe khoang của cải, cao ngạo với bạn bè, thầy cô.

          Nếu con đã lớn thì hãy dạy con biết chuyên cần làm ăn trong nghề nghiệp của mình:

“Con ơi, mẹ bảo con này,
Học buôn học bán cho tày người ta,
Con đừng học thói chua ngoa,
Họ hàng ghét bỏ người ta chê cười
Dù no dù đói cho tươi,
Khoan ăn bớt ngủ là người lo toan.”

3.     Giáo dục tình cảm cho con

Các chị cần dạy con trung thực biểu lộ tình cảm của mình, bất kể là vui hay buồn. Điều này rất có lợi  cho việc giáo dục con cái. Các chị sẽ hiểu được những khó khăn, những khúc mắc, những nỗi buồn của con mình để hướng dẫn chúng.

Các chị cũng cần dạy các con thói quen biểu lộ những cử chỉ âu yếm cần thiết. Hãy làm để các con bắt chước: Đó là những lời nói yêu thương, những cử chỉ thân thiện, những lời khen ngợi, những  quan tâm chăm sóc cho nhau.

Một đứa trẻ được tôn trọng, được yêu thương sẽ biết tôn trọng và yêu thương những người xung quanh. Trái lại, một đứa trẻ luôn sống cảm giác bị bỏ rơi, sẽ nhút nhát, mặc cảm, co cụm.

Nếu các chị có cuộc sống hôn nhân hòa hợp, biết hy sinh chịu đựng và nhường nhịn nhau, thì con cái trong gia đình sẽ hòa đồng, dễ thông cảm với nhau và hoà hợp với người xung quanh.

“Cây xanh thì lá cũng anh,
Cha mẹ hiền lành để đức cho con.”

Trái lại, nếu các chị hay la mắng, không tôn trọng và mất tin tưởng nơi con cái, sẽ in dấu trên chúng ý nghĩ ù lì, an phận, không cầu tiến.

“Ai ơi cứ ở cho lành,
Tu nhân tích đức để dành về sau.”

4.     Giáo dục đạo đức cho con

Các chị chính là tấm gương mẫu mực để các con noi theo. Ngay cả khi con cái đã trưởng thành, đường đi nước bước, suy nghĩ, lý tưởng của con vẫn phải được hun đúc từ các chị. Một thái độ bao dung, cởi mở, tiến bộ của các chị sẽ chắp cánh cho các con những uớc mơ và nghị lực để sống.

“Sinh con ai nỡ sinh lòng,
Sinh con ai chẳng vun trồng cho con.”

Các chị hãy là người vươn lên trong học tập, bắt kịp tiến bộ chung của xã hội thì mới có kiến thức bồi dưỡng cho con biết sống đúng với chuẩn mực đạo đức, và phù hợp với nền văn hóa dân tộc.

“Người trồng cây hạnh người chơi,
Ta trồng cây đức để đời về sau.”

Trong lãnh vực luân lý xã hội, các chị cũng cần dạy cho các con biết đạo làm người:

“Làm người phải biết cương thường,
Xem trong ngũ đẳng, quân cương ở đầu.
Thờ cha kính mẹ trước sau,
Anh em hòa thuận mới hầu làm nên.
Vợ chồng đạo nghĩa cho bền,
Bạn bè cho thực, dưới trên đúng đường.”

          Chuyện kể rằng: Vợ Thầy Tăng Tử, một hôm, đi chợ. Con khóc đòi đi theo. Bà dỗ dành: “Ở nhà, khi nào mẹ về, mẹ sẽ làm thịt heo cho ăn”. Lúc bà về, Thầy Tăng Tử bắt heo làm thịt. Thấy vậy bà can: “Tôi nói đùa con đấy mà!” Thầy Tăng Tử nghiêm nghị trả lời: “Đùa thế nào được. Đừng khinh trẻ thơ không biết gì. Nay mình nói dối nó, tức là đã dạy nó nói dối.” Nói rồi Thày làm thịt heo cho con ăn thật. Thánh kinh có dạy: “Có thì nói có, không thì nói không, thêm thắt vào là việc của ma quỷ.”

5.     Giáo dục đức tin cho con

Thầy cả Hêli, vì quá nuông chiều con cái, làm ngơ trước những hành vi ngang ngược của chúng, nên đã phải lãnh án phạt. Hai con trai chết thảm nơi trận địa. Hòm Bia Thiên Chúa mất vào tay người Philitinh. Còn ông, quá xúc động trước hung tin, ngã ngựa vỡ đầu mà chết (x. Sm 2,12-36).

Trái lại, bà Blanca thường rót vào tai con mình: “Mẹ thà thấy con chết trước mặt mẹ hơn là thấy con phạm tội trọng mất lòng Chúa”. Chính lời dạy dỗ này đã làm cho con bà trở thành một vị đại thánh. Đó là vua thánh Louis.

Thi hào La Martine có viết: “Phúc cho ai được Chúa ban cho một bà mẹ thánh thiện.” Bất cứ bậc Hiền Mẫu nào cũng coi trọng việc giáo dục đức tin cho con, không chỉ chăm lo phần xác mà cả về tâm hồn nữa. Thế mới thật là vuông tròn, nhưng cũng thật là gian truân.
“Nuôi con cho được vuông tròn,
Mẹ thầy dầu dãi, xương mòn gối cong.”

Các chị giáo dục con không chỉ bằng lời nói mà còn bằng gương sáng nữa, bởi vì: “Lời nói thì lung lay, còn gương bày thì lôi kéo.” Đức cha Bauard quả quyết: “Dạy cho con cái biết kính thờ Chúa là đã trọn niềm giáo dục.”

Con cái là niềm vui của các chị, nếu các chị biết “Giáo dục con cái”, thì xã hội sẽ tránh được nhiều tệ nạn và con cái luôn tin tưởng hứng khởi dấn bước vào đời. Thật vậy, có thể nói công ơn trời biển của cha mẹ làm sao kể siết:

“Đi khắp thế gian không đâu tốt bằng mẹ,
Gian khổ cuộc đời không nặng gánh bằng cha.”

Sách Huấn Ca khen ngợi các bậc Hiền Mẫu biết giáo dục con cái: “Cả kho tàng của thế giới cũng không quí bằng có một người con được giáo dục tốt”. (Hc 26, 28). Chính những người con ấy sẽ dành cho các chị tâm tình thảo hiếu mến yêu:
“Mỗi đêm mỗi thắp đèn trời,
Cầu cho cha mẹ sống đời với con.”

Các chị có bổn phận giáo dục con cái, nhưng kết quả không tùy thuộc vào nỗ lực của các chị, mà còn tùy thuộc ở Thiên Chúa nữa. Các chị giống như người trồng cây, vun tưới, bón phân, chăm sóc cho cây... nhưng chỉ Thiên Chúa mới làm cho cây lớn lên (x. 1 Cr 3,6-7). Vì thế, để giáo dục con cái cho kết quả, các chị cần cầu nguyện, phó thác và vững tin vào Chúa. Không có Ngài, chúng ta không làm được việc gì (x. Ga 15,5b).

Các chị hãy noi gương bà thánh Monica, nhờ cầu nguyện, hy sinh, và vững tin vào Chúa, mà con của bà cho dù hết sức tội lỗi, đã trở về với Chúa, không những thế, còn trở nên một giám mục, và hơn nữa, một vị thánh, là thánh Augustinô.

Chúc các chị thành công trong việc giáo dục con cái, để chúng trở nên những người con ngoan của các chị, đem lại vinh danh về cho Thiên Chúa và hữu ích cho cộng đồng xã hội.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét