Thứ Sáu, 2 tháng 5, 2014

NGHỆ THUẬT GIẢNG HOÀ



NGHỆ THUẬT giảng hoà
THIÊN PHÚC
Trong bài “Nghệ thuật sống hạnh phúc”, bác sĩ Maurice Tièche kể một câu chuyện như sau: Một buổi chiều nọ, hai vợ chồng Philipphe và Catherine đang ngồi nói chuyện, bỗng có một con chuột chạy qua giữa nhà. Cả hai cùng tự hỏi, không biết con chuột chạy ra từ đâu. Chồng nói:
-         Anh thấy con chuột vừa chạy từ góc tủ ra.
Vợ cãi:
-         Không phải, nó chạy từ trong kệ sách ra.
-         Anh thấy nó chạy từ góc tủ ra mà!
-         Không, em thấy rõ ràng, nó chạy từ trong kệ sách ra.
Cuộc tranh cãi nổ ra dữ dội. Họ giận nhau suốt mấy ngày liền! Cũng may, còn mấy hôm nữa là Tết, nên họ muốn làm hoà để vui vẻ đón xuân.
Người chồng rộng lượng, đi bước trước:
-         Em à! Sắp tết rồi! Chúng mình làm hoà nhé?
-         Em cũng muốn lắm! Thôi bỏ qua đi! Nhưng anh này, con chuột bữa nọ, nó chạy từ trong kệ sách ra đấy!
Ngay lập tức, người chồng gân cổ cãi lại:
-         Không, anh có thể quả quyết với em, là con chuột ở trong góc tủ chạy ra!
Thế là cuộc cãi vã lại tái phát. Lần này còn dữ dội hơn trước. Họ chống đối nhau kịch liệt, không bên nào chịu thua bên nào. Cuối cùng, vì không thể làm lành với nhau, không thể chịu nổi nhau nữa, họ đã quyết định ly dị. Tất cả, cũng chỉ vì… con chuột!
Câu chuyện, nghe thì cười. Nhưng kết thúc, thật buồn! “Chén bát còn có lúc xô”. Vì thế, trong đời sống vợ chồng, khó tránh khỏi có lúc bất đồng, để rồi làm đau lòng nhau. Điều này có thể là lỗi lầm của một trong hai người, cũng có thể chỉ là sự khác biệt về tính cách. Để giải quyết xung đột, thánh Phaolô dạy: “Hãy chịu đựng lẫn nhau và hãy tha thứ cho nhau” (Cl 3, 12).

Vì thế, những lúc đó, các chị hãy thông cảm mà bỏ qua cho nhau, đó là biện pháp tốt nhất để điều hoà mối quan hệ vợ chồng. Qua đó, hoá giải được những căng thẳng, mâu thuẫn hoặc xung đột có thể xảy ra. Cha ông ta đã dạy: “Một sự nhịn là chín sự lành” cơ mà!

Để sống theo lời dạy của thánh Phaolô, các chị cần kiên nhẫn thực hiện 3 nguyên tắc sau: 

1. Nhìn nhận đúng về nhau 

Nếu người này làm cho người kia không vui, không vừa lòng thì hãy nghĩ rằng: Điều đó có thật là khuyết điểm không? Nếu là khuyết điểm, mình không nên nổi cáu mà phải nói chuyện với nhau, rồi tìm cách sửa chữa. “Nhân vô thập toàn” mà! Nếu không phải là khuyết điểm, chỉ là không làm theo ý mình thôi, vậy thì cứ để như thế, có sao đâu! Mỗi người đều có nhân cách độc lập, có suy nghĩ riêng, tại sao mình đòi người kia phải theo ý mình, và không chắc, lúc nào ý mình cũng đúng!

Hơn nữa, cần tìm ra những ưu điểm ở người bạn đời, kết quả sẽ tốt hơn nhiều: Có người vợ, chỉ thấy chồng toàn khuyết điểm, thường trách mắng anh, khiến gia đình căng thẳng, ngột ngạt. Một lần kia, chị đến gặp chuyên gia tâm lý, họ khuyên chị: “Trong 3 tuần, ngày nào chị cũng cố tìm ra một ưu điểm của chồng và khen anh ta”. Lúc đầu, chị thấy rất khó khăn, miễn cưỡng tìm một ưu điểm của chồng rồi khen ngợi anh, khiến anh rất vui. Về sau, càng tìm chị càng phát hiện: “Sao chồng mình có nhiều ưu điểm thế?” Sau 3 tuần, chị đã thay đổi cách nhìn về chồng, còn chồng, cũng khá lên nhiều. Quan hệ vợ chồng tốt đẹp trông thấy. 

2. Có lòng khoan dung độ lượng 

Không nên so đo, xét nét những việc nhỏ trong sinh hoạt, phải học cách “cười xoà”. Nhiều người, đặc biệt là phụ nữ, thường hay “soi kính lúp” để tìm ra những nhược điểm của chồng để bắt bẻ, cật vấn. Điều này khiến các ông chồng khó chịu vô cùng. Cứ hiền lành một chút, mơ hồ một chút, qua loa một chút còn tốt hơn nhiều so với việc “Bới lông tìm vết”.
 
Khi chồng nói hoặc làm điều gì đó khiến mình không vui, các chị hãy nghĩ rằng: “Có lẽ anh ấy vô tình thôi, mình chẳng để bụng làm gì”.

Nếu trong gia đình xảy ra một sự cố ngoài ý muốn, không thể cứu vãn thì đừng sầu thảm, oán trách, qui kết tội cho nhau, mà phải “tự giải thoát”, tức là hãy nghĩ thoáng ra một chút. 

Chẳng hạn, nếu chồng các chị lỡ tay làm vỡ chiếc lọ hoa đắt tiền, thì các chị sẽ nghĩ: “Coi như đã tặng nó cho người khác”, trong lòng sẽ nhẹ nhàng thoải mái ngay. Nếu chồng đi ra ngoài không cẩn thận, bị kẻ cướp giật mất điện thoại hay ví tiền, chị có thể tự an ủi: “Chỉ là của đi thay người. Thế là có phúc lớn rồi”. Đó là kiểu “Hợp lý hóa”, tự an ủi mình; đồng thời, giúp cả hai nhanh chóng lấy lại sự cân bằng, bình tĩnh và xử lý vấn đề thông minh hơn.

3. Khéo xoay chuyển tình thế

Nếu một trong hai không được vừa ý trong công việc, hoặc bị oan ức gì đó ở bên ngoài, thì cả hai đều phải khéo léo chuyển tâm trạng tiêu cực của mình sang hướng khác, chứ không được trút lên bầu khí gia đình. Không nên lấy người bạn đời ra làm chỗ “xả hơi” hoặc “Giận cá chém thớt”. Điều này sẽ đem lại hậu quả tệ hại cho mối quan hệ vợ chồng. 

Tốt nhất, hãy tâm sự với nhau về nỗi oan ức của mình, nói ra hết những điều ấm ức tích tụ trong lòng, sẽ trút bỏ được nỗi u ám phiền muộn ngay. Còn người kia sẽ lắng nghe, góp ý, an ủi, giúp người này lấy lại tâm trạng bình tĩnh; hoặc chuyển tâm trạng sang hướng khác như làm một việc gì đó, nghe nhạc hoặc chuyện gẫu, v.v..
Một gia đình bất hòa, chia rẽ là một địa ngục trần gian; một gia đình yêu thương, tha thứ là thiên đàng dưới thế. Vậy, các chị hãy sống theo lời dạy của thánh Tông Đồ: “Hãy chịu đựng lẫn nhau và hãy tha thứ cho nhau” (Cl 3, 13). Thứ tha, không phải là lối nhìn trịnh thượng, kiêu hãnh, ban phát. Nhưng là nhìn cuộc đời bằng con mắt bao dung, thông cảm, để giữ cho lòng thanh thoả bình an trước mây mù sóng gió.
Nhà giảng thuyết thời danh của Pháp là Linh Mục Lacordaire đã nói:
“Trên thế giới này không ai mà không có khuyết điểm. Tôi thích một người bạn mà tôi tha thứ cho, cũng như tôi được tha thứ, hơn là một người bạn mà tôi không có gì để thứ tha.”
Lời phát biểu trên nói về tình bạn, nhưng nó càng có giá trị hơn trong tình vợ chồng.
Vợ chồng Công Giáo rất có diễm phúc, vì ngoài tình yêu của hai vợ chồng, còn có tình yêu của Chúa, nên chúng ta có đủ “tình yêu” để “chịu đựng lẫn nhau và tha thứ cho nhau”. Thánh Tông Đồ viết: “Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta” (Rm 5, 5). Hãy sống trong tình yêu, để lúc nào gia đình các chị cũng được như hai câu thơ sau đây:

“Từ lúc yêu nhau hoa nở mãi,
Trong vườn thơm ngát của hồn tôi.”

Cầu chúc cho gia đình các chị luôn sống trong thuận hoà yêu thương, biết chịu đựng lẫn nhau, và nhất là, biết tha thứ cho nhau. Nhờ đó, con thuyền tình yêu của các chị sẽ vượt qua được những giông tố trên biển đời trần gian, để đi tới bến bờ yêu thương và hạnh phúc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét